trang chủ tin tức xe Chạy xe đổ đèo bằng số "D" được không?

Chạy xe đổ đèo bằng số "D" được không?

Với việc áp dụng các công nghệ điện hóa mới, các loại xe xanh hiện nay sử dụng số D vẫn có thể đổ đèo một cách an toàn.

Việc chuyển sang sử dụng số thấp trên ô tô số tự động khi đổ đèo là quy tắc được khuyến cáo để đảm bảo an toàn. Nhưng hiện nay, khi các loại ô tô điện hóa xuất hiện nhiều hơn trên thị trường thì quy tắc này dường như không hoàn toàn đúng.

Ô tô điện chỉ có số D, không có các cấp số nhưng phanh tái sinh sẽ hỗ trợ đổ đèo an toàn.

Ô tô điện chỉ có số D, không có các cấp số nhưng phanh tái sinh sẽ hỗ trợ đổ đèo an toàn.

Liên quan đến câu chuyện ô tô vẫn có thể sử dụng số D để đổ đèo được mạng xã hội bàn tán những ngày qua, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, với các loại xe điện hóa phổ biến ở Việt Nam hiện nay như xe điện hay hybrid, điều này hoàn toàn có thể.

PGS. TS Đàm Hoàng Phúc lý giải, khi đổ đèo bằng xe điện và xe hybrid thì có hệ thống phanh tái tạo. Bản thân hệ thống phanh tái tạo cũng đã hỗ trợ cho hệ thống phanh cơ khí truyền thống, hệ thống phanh chính hoạt động ít đi, thậm chí không phải hoạt động.

"Trên xe điện thường không có hộp số như ô tô truyền thống, chỉ có số D nên loại xe này có muốn cũng không thể về được số thấp. Vì vậy khi đổ đèo bằng loại xe này, nhà thiết kế không cần phải khuyến cáo người dùng hoặc không phải làm số thấp hơn vì đã có hệ thống phanh tái tạo hỗ trợ.

Hệ thống phanh tái sinh cũng có trên xe hybrid.

Còn trên xe hybrid, do vẫn còn động cơ đốt trong nên vẫn có thể tận dụng sức ghìm từ động cơ. Trên một số mẫu xe hybrid như của Toyota có số B, dành riêng cho đổ đèo ở dốc đèo dài. Khi này gần như không phải sử dụng đến phanh chính", PGS. TS Phúc nói thêm.

PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cũng cho biết từng lái cả 2 loại xe động cơ đốt trong và xe hybrid trên đoạn dốc dài 3km, độ dốc từ 7-10%. Sau khi đi hết đoạn dốc, đo nhiệt độ đĩa phanh của xe thông thường là 140 độ trong khi xe hybrid chỉ 90 độ, thấp hơn rất nhiều nhờ lượng nhiệt đã được hấp thụ trở lại để tái tạo năng lượng điện.

Còn với xe ô tô động cơ đốt trong thông thường, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cũng đồng tình với quan điểm nên về số thấp khi đổ đèo dốc dài. Bởi khi đổ dốc dài, nếu sử dụng phanh liên tục thì nhiệt độ phanh lên, làm giảm hệ số ma sát má phanh, có thể nóng sôi dầu phanh dẫn đến hệ thống phanh sẽ bị hỏng tạm thời, thậm chí mất phanh.

"Khi về số thấp sẽ tận dụng được động cơ để ghì xe lại. Khi đó hệ thống phanh chính sẽ được giảm tải, nhiệt độ phanh chính sinh ra không nhiều nữa, an toàn hơn, đó là nguyên lý cơ bản", PGS. TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ.

Còn trường hợp vẫn để số D khi đổ đèo dốc dài, nhấp nhả phanh liên tục thì người lái cần có kỹ năng lái xe rất tốt và còn phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và vận hành. Làm sao để hệ thống phanh thoát được nhiệt, không bị quá nhiệt sẽ không dẫn đến mất phanh. Nhưng đây không phải là nguyên tắc an toàn chung cho tất cả mọi người

"Lời khuyên chung là khi đổ đèo nên để số thấp, theo đúng nguyên tắc là lên đèo số nào thì về số đó", PGS. TS Phúc nói thêm.

(Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/nhung-mau-xe-de-so-d-van-co-the-do-deo-192240405170109845.htm#google_vignette)