trang chủ tin tức xe Hiểm họa khó lường khi lái xe dưới mưa

Hiểm họa khó lường khi lái xe dưới mưa

Bị xe khác tạt nước lên kính lái, bánh xe trượt nước và đèn xe khác làm chói mắt là những tình huống tài xế gặp khi mưa lớn.

Lái xe trong mưa mang nhiều nguy hiểm cho tài xế, hành khách và chính chiếc xe vì tầm nhìn giảm, hoặc bánh xe mất độ bám với mặt đường khi xe đi qua vũng nước. Dưới đây là những tình huống dễ gặp và cách xử lý, theo lời khuyên của các chuyên gia lái xe an toàn.

Bị xe khác tạt nước làm "mù" kính lái

Khi mưa to, mặt đường chưa thoát hết nước, ôtô đi tốc độ cao qua vũng nước có thể khiến nước bị tạt vào kính lái của các xe chạy ngược chiều, gây mất tầm nhìn tạm thời, nhất là những xe gầm thấp như sedan.

Nếu bị tạt nước, tài xế nên bình tĩnh, giữ tay lái thẳng, nhả ga và phanh giảm tốc, không đạp lực quá gấp có thể khiến xe bị quay ngang, không chuyển hướng có thể đâm xe khác. Với xe đi qua vũng nước, cần giảm tốc, đi chậm để đảm bảo không ảnh hưởng tới người khác, nhất là những người đi xe máy.

Trượt nước

Khi đi qua mặt đường ướt, xe có thể bị hiện tượng trượt nước, khiến bánh xe mất độ bám với mặt đường. Khoảnh khắc này tuy ngắn, khoảng vài giây, nhưng cũng đủ gây tai nạn nếu không biết cách xử lý đúng.

Fortuner mất lái bị lật ngang
 
 

SUV mất lái bị lật ngang dưới mưa. 

Theo Defensive Driving, khi cảm thấy những hiện tượng bị trượt bánh khi đi trong mưa, như tay lái bỗng nhẹ hẫng, hoặc phanh không có tác dụng, tài xế không nên phanh đứng hoặc đạp ga đột ngột. Vì lúc này bánh trước mất kiểm soát, không thể điều hướng, phanh đứng có thể kiến xe xoay tròn, còn đạp ga đột ngột có thể khiến xe mất kiểm soát dễ hơn.

Do đó, khi bị trượt nước, tài xế nên buông ga, xác định không gian an toàn phía trước, quay vô-lăng theo hướng an toàn, và để xe giảm tốc độ từ từ, nếu phải phanh, nên phanh với lực vừa đủ và tăng dần, tránh phanh đứng.

Cách để hạn chế hiện tượng trượt nước hiệu quả nhất là chuẩn bị xe trước mỗi mùa mưa, bao gồm thay lốp nếu đã quá cũ, bơm đúng áp suất khuyến cáo, và bảo dưỡng hệ thống phanh định kỳ. Khi lưu thông trong mưa, nên tránh đi qua các vũng nước với tốc độ cao.

Bị đèn xe khác làm chói mắt

Khi đi trong mưa, tài xế chỉ nên sử dụng hệ thống đèn thông thường như đi trong buổi tối, chỉ giương pha khi không có xe phía đằng trước. Việc sử dụng các đèn khác không đúng với mục đích của nhà sản xuất, ví dụ đèn sương mù đằng sau hay đèn khẩn cấp, có thể gây nguy hiểm đến chính bản thân và các phương tiện khác.

Một số xe hiện nay được trang bị đèn sương mù đằng sau. Đây là loại đèn có kích thước nhỏ, nhưng độ sáng cao, màu đỏ, mục đích nhằm tăng độ nhận nhiện của xe khi thời tiết dày đặc sương mù, bụi mù, hoặc mưa nặng hạt làm giảm tầm nhìn.

Ôtô đen bật đèn sương mù gây chói (giữa xe) khi lưu thông trong thành phố. Ảnh: AutoDeal

Ôtô đen bật đèn sương mù gây chói (giữa xe) khi lưu thông trong thành phố. Ảnh: AutoDeal

Nếu sử dụng lúc mưa nhỏ đến vừa, đèn sương mù có thể khiến giảm tầm nhìn các tài xế khác vì ánh sáng chói, tụ vào một điểm của đèn sẽ bị khúc xạ bởi các hạt mưa, khiến ánh sáng càng loé và gây chói mắt các tài xế khác.

Mặt khác, đèn khẩn cấp chỉ nên sử dụng lúc khẩn cấp, hoặc khi xe đang trong tình huống nguy hiểm và không thể lưu thông. Sử dụng đèn khẩn cấp lúc trời mưa khiến xe mất khả năng báo hiệu chuyển hướng, làn đường. Do đó, đèn này chỉ nên sử dụng khi dừng xe ở vị trí an toàn khi mưa quá to làm giảm tầm nhìn.

Khi tài xế bị đèn xe khác làm chói mắt, nên hướng nhẹ mắt về phía dưới phía bên phải, và lấy các cột mốc trên mặt đường để xác định hướng di chuyển của xe, như vạch kẻ đường, lề đường... Hướng mắt về phía trước khi đèn làm chói mắt đã vượt ra khỏi tầm nhìn.

(Nguồn: vnexpress.net)