trang chủ tin tức xe Mối nguy hiểm khi quên người trong ôtô lúc trời nóng

Mối nguy hiểm khi quên người trong ôtô lúc trời nóng

Giới hạn tỉnh táo của một người lớn là khoảng 30-45 phút nếu mắc kẹt trong xe đóng kín, kể cả khi đỗ dưới nắng hoặc ở bóng râm.

Trẻ em bị bỏ quên trong xe đỗ ngoài nắng là một tai nạn phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Ở Việt Nam cũng từng ghi nhận trường hợp bé tử vong trên xe vào năm 2019. Với người lớn, có thể tự mở lẫy khóa ra ngoài trong trường hợp tỉnh táo, nhưng nếu đang ngủ say, hoặc với trẻ em không có kỹ năng này, thì bị bỏ quên gần như đối diện án tử.

Nhiều nghiên cứu của các tổ chức y khoa trên thế giới về khả năng chịu đựng của người ngồi trên xe đóng kín, đỗ ngoài nắng cho thấy, trung bình khoảng một giờ hoặc ít hơn, người bên trong xe có nguy cơ cao bị tử vong vì các vấn đề như thiếu oxy, sốc nhiệt.

Thử nghiệm tại TP HCM vào khoảng 14h, nhiệt độ ngoài trời 34 độ C, có mây rải rác, xe đã dán phim cách nhiệt ở mọi vị trí cửa (kính lái xuyên sáng 80%, hai kính trước xuyên sáng 60%, hai kính sau xuyên sáng 40%, kính sau xuyên sáng 60%, cửa sổ trời xuyên sáng 60%), nhiệt độ bên trong khoang xe là 33 độ C.

Thể trạng người thử nghiệm cao 1,72 m, nặng 68 kg, nhịp tim lúc nghỉ 75-80 nhịp/phút, có khả năng chịu nóng tốt. Nhịp tim trong bài thử nghiệm đo bằng đồng hồ thông minh, nhiệt độ bên trong khoang xe đo bằng nhiệt kế điện tử.

 Bỏ quên người trong xe đỗ ngoài nắng nguy hiểm thế nào?
 

Trường hợp một: đỗ xe hoàn toàn dưới nắng

Sau 20 phút, tình trạng ngột ngạt, khó thở đã bắt đầu diễn ra, nhiệt độ bên trong xe đạt 35 độ (tăng 2 độ so với ban đầu), nhịp tim lên ngưỡng 100 nhịp trên phút.

Sau 30 phút, cơ thể chảy nhiều mồ hôi hơn, khó thở hơn và bắt đầu cảm thấy choáng váng, chóng mặt, thở gấp. Nhiệt độ bên trong khoang xe lúc này đã tăng lên 37 độ.

Phút 36-37, nhịp tim tăng hơn 120 nhịp/phút, bắt đầu xảy ra những biểu hiệu của thiếu oxy, sốc nhiệt như đầu ngón tay ngón chân tê, choáng váng, mắt có cảm giác tối đi, thở gấp, mồ hôi nhễ nhại, gặp khó khăn trong giao tiếp. Đây là lúc người thử nghiệm phải mở cửa xe để thoát ra ngoài.

Trường hợp hai: đỗ xe dưới bóng râm

30 phút đầu cơ thể không gặp vấn đề gì lớn. Từ phút 30, người thử nghiệm cảm thấy khó thở, nhiệt độ bên trong xe là 34,6 độ C (tăng 1,6 độ), nhịp tim tăng lên mức 88-92 nhịp/phút.

Vào phút thứ 40, tình trạng chảy mồ hôi nhiều, thở nhanh đã diễn ra. Nhiệt độ khoang xe khi đỗ trong bóng mát tăng chậm, lúc này chỉ lên mốc 34,8 độ C. Khoang xe không quá nóng, nhưng cơ thể cảm thấy ngột ngạt.

Phút thứ 50 là giới hạn của người thử nghiệm, khi nhịp tim tăng lên mức 105 nhịp/phút, bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của thiếu oxy và sốc nhiệt như lần thử nghiệm đầu. Lúc này người thử nghiệm mở cửa xe ra ngoài.

Như vậy, cho dù đỗ ngoài nắng hay dưới bóng râm, một người lớn chỉ có thể chịu đựng việc bị kẹt bên trong xe đóng kín khoảng 30 - 45 phút. Mức chịu đựng nóng/bí của mỗi người là khác nhau. Các bác sĩ cho biết nếu là trẻ em hoặc thú cưng, mức chịu đựng sẽ kém hơn rất nhiều.

Do đó, chủ xe nên lưu ý không để bất cứ hành khách nào ngồi bên trong xe rồi tắt máy, khóa cửa khi đỗ xe, dù thời gian đỗ ngắn hay dài. Nếu bắt buộc phải để hành khách bên trong xe, hãy đỗ nơi mát, chuẩn bị đủ nước, hạ cửa sổ, và để số điện thoại khẩn cấp trên xe nhằm được liên hệ khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

(Nguồn: https://vnexpress.net/bo-quen-nguoi-trong-xe-do-ngoai-nang-nguy-hiem-the-nao-4609603.html)